Chuyện 'cởi trói' cho giáo viên của Nhà giáo nhân dân

18/11/2014 04:42, Lượt hiển thị: 5068 Tin Giáo dục

Chuyện 'cởi trói' cho giáo viên của Nhà giáo nhân dân

Từ kinh nghiệm đi dạy, Nhà giáo nhân dân Lưu Xuân Giới (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninhcho rằng, những người cơ hội, thương mại hóa giáo dục hay không chịu rèn luyện, đổi mới bản thâm thì sớm muộn sẽ nhận ra mình tụt hậu, phải tự đào thải.

Trong danh sách 39 Nhà giáo nhân dân được vinh danh trong dịp 20/11 năm nay, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Triều (Quảng Ninh) là một trong hai người không công tác tại các trường ĐH.

Tuổi 19, ra đi không vụ lợi

Năm 1974, 19 tuổi tốt nghiệp hệ trung cấp sư phạm của địa phương, thầy giáo tiểu học Lưu Xuân Giới không ngần ngại xung phong lên xã vùng cao Minh Cầm thuộc huyện miền núi Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh).

đổi mới, giáo viên, cơ hội, Nhà giáo nhân dân
Trưởng phòng Lưu Xuân Giới trên bục nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2014. (Ảnh: Văn Chung)

“Khi đó mình biết giáo dục địa phương đang rất thiếu giáo viên vùng cao. Chỉ suy nghĩ bà con nơi đó khát chữ, cần kiến thức văn hóa nên xung phong về thôi” – thầy Giới chia sẻ. Từ trung tâm huyện Ba Chẽ, thầy giáo trẻ mất 2 ngày băng đồi núi đến với học trò.

Bản nơi thầy Giới về công tác khi ấy trắng điểm trường. Học sinh muốn học tiểu học phải đi bộ gần 6km đường núi, qua vài quả đồi mới đến điểm trường chính.

Vừa đặt ba lô, túi sách đến cơ sở mới, thầy Giới bắt tay vào việc mở điểm trường mới.

Vận động trẻ em đồng bào dân tộc Tày đến trường với thầy Giới khó mà dễ. Chỉ đến nhà nói con cần học cái chữ thì khó nhưng đến trường được vui chơi ai cũng hào hứng.

Trong từng tiết học đến những ngày cuối tuần hay dịp lễ, Tết,…thầy Giới luôn kết hợp các trò chơi, sinh hoạt cộng đồng với việc dạy kiến thức cho trò.

Thầy tổ chức các buổi thi hát, thi bơi,…hay sinh hoạt chung cho học sinh, thậm chí tổ chức thi các trò chơi giữa các bản.

Học sinh, nhân dân ai cũng hồ hởi. Học trò từ 6 tuổi đến 30,40 tuổi cũng từ các bản cũng đến xin học ở điểm trường của thầy.

Ngay năm đầu tiên điểm trường tiểu học của xã Minh Cầm nơi thầy Giới dạy đã có gần 100 học sinh trên 6 lớp. Một con số đủ để lập một điểm trường chính ở nhiều huyện miền núi khác.

Có học trò, thầy lại nghĩ ra đề tài dạy tiếng Việt cho người Tày. Bởi “có hiểu tiếng Việt thì trò mới tiếp thu được kiến thức văn hóa mới”. Dạy tiếng bắt đầu phải từ dạy từ. Thầy vận dụng từ những mô hình hay tự vẽ hình ảnh minh hoạt dễ hiểu để giảng cho trò hiểu như từ xa lạ.

Học trò đông, nhiều lứa tuổi thầy Giới lại nghĩ ra thí điểm và thành công với đề tài dạy lớp ghép ở đồng bào dân tộc ít người. Đề tài sau đó được phổ biến ra toàn huyện.

Hạnh phúc nhất trong đời giáo viên

2 năm sau ngày thầy Giới về với bản làng, điểm trường mới tại xã Minh Cầm đã trở thành điểm sáng giáo dục của huyện Ba Chẽ.

Lớp học của thầy đông từ sáng đến 22h, hết dạy các lớp chính thầy lại dạy các lớp bổ túc. Đêm khuya, trong căn nhà tre nhỏ đơn sơ được bà con dựng lên, thầy lại say sưa soạn giáo án và lên những ý tưởng mới.

Nhận thấy chuyên môn của thầy sẽ rất hợp khi về trường dân tộc nội trú của huyện, năm 1976 thầy Giới được điều động về làm quản lí và tiếp tục giảng dạy tại trường dân tộc nội trú của huyện cách đó gần 70km.

“Nhớ lắm ngày mình khoác ba lô ra đi, người dân của cả bản làng cuốc bộ qua mấy quả núi tiễn thầy. Có người còn cho củ khoai, cái bánh. Kỉ niệm đẹp ấy có lẽ suốt cuộc đời giáo viên mình chẳng thể nào quên” – thầy Giới nhớ lại.

Sau đó thầy Giới được học lên cao đẳng, đến 1985 thì về dạy toán THCS tại huyện Đông Triều nơi mình sinh ra.

Năm 2003 thầy được cử làm phó phòng GD-ĐT của huyện, 2007 lên làm trưởng phòng đến nay.

Luôn đổi mới mình và "cởi trói" cho giáo viên

Thầy Giới tâm niệm: Luôn nghĩ phải làm gì đó mới thì giáo dục mới đi lên, mới hiệu quả.

Năm 1988-1990 cả nước đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục dân số, thầy Nghĩ phải đưa vào giáo dục nội dung này trong giáo dục và thành công với chuyên đề giáo dục dân số trong nhà trường phổ thông.

đổi mới, giáo viên, cơ hội, Nhà giáo nhân dân

Trưởng phòng Lưu Xuân Giới giới thiệu và hướng dẫn khai thác Cơ sở dữ liệu lược đồ SGK điện tử hồi năm 2013. (Ảnh: truelife.vn)

Năm 2008 thầy khởi động đề tài Nâng chất lượng giảng dạy ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Năm 2011 đề tài được phát triển lên cấp tỉnh. Đến 2013 Đề án phòng GD-ĐT điện tử của thầy Giới được áp dụng trên toàn tỉnh.

Trước đó, khi còn giảng dạy toán THCS, thầy có đề tài nâng chất lượng học sinh giỏi toán của học sinh địa phương được tỉnh đánh giá cao.

3 năm trở lại đây, trên cương vị trưởng phòng thầy Giới chỉ đạo tất cả các trường phải giao quyền tự chủ lớn hơn, tôn trọng cho giáo viên đứng lớp.

Quan điểm giáo dục phải mở, giáo viên phải tự chủ, vị trưởng phòng cho phép giáo viên mềm hóa nội dung từng bài giảng, tiết dạy để lồng ghép hoặc bổ trợ kiến thức, kỹ năng khác cần thiết cho học sinh.

“Không ai hiểu trò như các thầy cô đứng lớp. Miễn sao thầy cô mang lại hiệu quả, chất lượng thực sự cho trò là được” – ông Giới khẳng định.

Nhận thấy sổ sách, giấy tờ cũng làm khổ giáo viên nên quá trình thanh-kiểm tra ông Giới luôn nhắc nhở cán bộ phòng GD-ĐT chỉ tập trung vào những loại sổ sách thực sự quan trọng cho giáo viên, giáo án là loại sổ được xem trọng.

Nhờ những “cởi trói” cho giáo viên nên trưởng phòng Lưu Xuân Giới cho biết: “Những năm qua giáo dục đào tạo của Đông Triều luôn thuộc tốp đầu của tỉnh, chỉ thua khu vực trung tâm của tỉnh”.

Người cơ hội, không tự rèn luyện sẽ tự bị đào thải

Theo thầy Giới: “Một người thầy nếu không thường xuyên trăn trở với từng bài giảng, tiết dạy, lên lớp chỉ để “chấm công” thì sớm muộn sẽ không tồn tại được. Nghề khác có thể làm theo quy trình, sản phẩm quen tay rồi sẽ nhanh. Nhưng nghề dạy sản phẩm là tri thức, dạy trẻ tư duy lúc nào cũng phải suy nghĩ. Từ sản phẩm nhỏ nhất là bài giảng cũng phải được chăm chút, chú ý, rèn rũa”.

Ngày nay không ít người thầy đã làm mất đi cái đẹp, cái cao quý của nghề giáo. Thầy Giới cho rằng những người cơ hội, thương mại hóa giáo dục hay không chịu rèn luyện, đổi mới mình thì sớm muộn sẽ nhận ra mình tụt hậu, phải tự đào thải.

Đổi mới giáo dục và những bước đi của Bộ GD-ĐT theo thầy Giới là cần thiết nhưng cần làm đồng bộ với quyết tâm cao mới thành công. Và chắc chắn, trong quá trình ấy sự cách biệt giữa người làm tốt – người chưa làm tốt, người có tâm huyết – người cơ hội sẽ hiện rõ. Hơn bao giờ hết, đổi mới đội ngũ cán bộ giáo dục là việc nên làm.

  • Văn Chung (ghi)

Bài viết liên quan

Thầy giáo trẻ khó lấy vợ vì nghèo
18/11/2014 04:51 / Admin
Sau khi đọc bài “Thư gửi chồng của nữ giáo viên nhân ngày 20/11” của cô giáo Đỗ Sông Hương, cũng là một giáo viên nên tô ...
Hoa, quà hay phong bì cho ngày Nhà giáo Việt Nam?
18/11/2014 04:49 / Admin
Cứ đến ngày lễ gì lớn như 14/2, 8/3, 20/10, 20/11…, đi ngoài đường đâu đâu cũng thấy hoa là hoa. Đủ các loại hoa với màu ...
Ôm mộng làm giàu, đừng theo nghề giáo
18/11/2014 04:46 / Admin
Ngày ấy, bạn bè cùng trang lứa với tôi không giấu được niềm tự hào khi lần lượt nhận được giấy báo trúng tuyển vào nhiều ...
Hạnh phúc là khi được cùng học trò ôn lại những kỉ niệm xưa
18/11/2014 04:44 / Admin
Tham gia công tác giảng dạy hơn 15 năm, cô Đỗ Thị Ngọc Anh (giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội) đã dạy nhiều thế ...