Ôm mộng làm giàu, đừng theo nghề giáo

18/11/2014 04:46, Lượt hiển thị: 5251 Tin Giáo dục

Ôm mộng làm giàu, đừng theo nghề giáo

Dạy chữ để dạy người…

Ngày ấy, bạn bè cùng trang lứa với tôi không giấu được niềm tự hào khi lần lượt nhận được giấy báo trúng tuyển vào nhiều trường Đại học danh tiếng như Bách khoa, Kinh tế, Xây dựng, Y khoa… Riêng tôi, tôi hạnh phúc với ước mơ nhỏ bé của mình và khiêm tốn bước vào trường Sư phạm với hoài bão lớn lao.

Cha mẹ "cãi nhau", thầy cô lo lắng

(GDVN) - “Thế là từ tuần sau mình không phải tranh thủ từng giờ từng phút trên lớp để chấm chữa bài về nhà cho học sinh nữa rồi. Nhàn hẳn, nhưng lại thấy lo..."

Hành trang đơn sơ của tôi là niềm tin và lý tưởng nghề nghiệp chưa bao giờ nguội tắt giữa những khó khăn của cuộc sống xa nhà chốn thành thị. Học tập ở môi trường Sư phạm, chúng tôi - những giáo sinh trẻ tuổi cứ thế hàng ngày lớn lên dưới sự rèn giũa không mệt mỏi, đầy trách nhiệm của đội ngũ giảng viên giàu nhiệt huyết. Chúng tôi vừa học nghề, nghĩa là trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ như bao ngành nghề khác trước khi bước vào cuộc sống lao động thực thụ. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là học làm người, học để trở thành một con người chân chính, xứng đáng với trọng trách, thiên chức xã hội giao phó trong tương lai. 

Thế nên, so với nhiều trường đại học khác, nội quy của sinh viên Sư phạm cũng có những chuẩn mực riêng. Từ trang phục đến giảng đường, cách đi đứng, ăn nói cho đến nếp sống, sinh hoạt… tất cả đều phải chỉn chu, mô phạm. 

Chính vì lẽ đó, thầy cô giáo trường Sư phạm cũng luôn tỏ ra khắt khe, nguyên tắc trong quá trình dạy học, giáo dục cũng như uốn nắn nhân cách cho thế hệ kế cận. Chúng tôi dần trưởng thành qua những tháng năm như thế và thầm cảm ơn những thầy cô giáo của mình đã tôi luyện, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để ngày mai có thể tận tâm, tận lực cống hiến cho nghề, cho lý tưởng trồng người cao đẹp.

Có lẽ, kỉ niệm khó quên nhất của những sinh viên sư phạm là ngày đầu đứng lớp trong đợt thực tập cuối khóa. Với tư cách nhà giáo, được đứng trên bục giảng, giảng bài cho những học trò đầu tiên… tôi tin rằng, đó là những cảm xúc đẹp nhất, khoảnh khắc thiêng liêng nhất của bất cứ giáo viên nào mỗi khi hồi tưởng lại. Và đó cũng là ngày mà những giáo sinh sư phạm thực sự cảm thấy yêu và trân trọng hơn bao giờ hết nghề nghiệp của mình.

Buồn vui nghề giáo…

Thấm thoắt, tôi đã có gần 5 năm gắn bó cùng bảng đen, phấn trắng với các thế hệ học trò. Cũng chừng ấy thời gian, tôi đã kinh qua và chứng kiến những thăng trầm, buồn vui nghề giáo.

Tôi hạnh phúc, tự hào với những bài giảng hay khiến học trò say mê, hào hứng, quên cả giờ ra chơi. Tôi hãnh diện vì học trò đạt điểm cao môn học mình phụ trách. Có những thế hệ đã tốt nghiệp ra trường, hàng năm đến ngày lễ tết vẫn ghé về thăm hay điện thoại chúc mừng. Có nhiều em lập gia đình cũng gửi thiệp mời đám cưới… Và tất nhiên, không tránh khỏi những thất vọng, hụt hẫng mỗi khi học trò chây lười, trốn học, bị điểm kém, thậm chí là ngang tàng, ngỗ ngược, bỏ ngoài tai những lời khuyên răn.

Đổi mới giáo dục: chương trình trước, sách giáo khoa sau
 (GDVN) - Nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục, các nhà giáo lão thành đều khẳng định tính quan trọng trong việc xây dựng một chương trình chuẩn trước khi nghĩ tới làm SGK

Mặc dù vậy, nghề giáo đã dạy cho tôi lòng kiên nhẫn, sự bao dung, độ lượng và niềm tin vào con người lớn hơn bất cứ nghề nghiệp nào. Chẳng thế mà nhiều lúc học trò hư khiến tôi bức xúc, giận dữ, nhưng thay vì quát tháo, đe nẹt, tư cách nghề giáo đã giúp tôi biết cách ôn tồn khuyên nhủ, động viên, tạo cơ hội cho các em khắc phục sai lầm để tiến bộ.

Thầy cô giáo cũng là con người, nên cũng có những cung bậc cảm xúc trái chiều, cũng phải sống, phải mưu sinh. Và ắt hẳn ai cũng biết, hiện tại, đời sống của một bộ phận không nhỏ giáo viên đang ở mức trung bình và thấp. 

Tôi vừa ngưỡng mộ, lại vừa thấy xót xa cho những đồng nghiệp của mình là những giáo viên cắm bản, họ hi sinh cả tuổi trẻ, quyền lợi riêng tư, không màng vật chất để mang chữ đến vùng sâu, lên vùng cao cho trẻ em nghèo. Tôi thương cảm đến ứa nước mắt khi chứng kiến đồng nghiệp của mình phải qua sông dạy học bằng… túi ni lông với bao rủi ro cho tính mạng mà không lời ca thán…

Chợt nhớ tới lời của một ai đó từng nhận định như một triết lý: “Những người ôm mộng làm giàu sẽ không theo nghề giáo, còn những người chọn nghề giáo thì không tham vọng làm giàu…”.

Thật vậy, vẫn biết sẽ còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống hàng ngày của những con người mang sứ mệnh “gõ đầu trẻ”, trong bối cảnh hiện tại, thậm chí họ phải bươn chải nhiều nghề để tồn tại. Tuy nhiên, hơn ai hết, họ luôn ý thức được trách nhiệm, thiên chức thiêng liêng mà xã hội giao phó cho mình. 

Đó chính là động lực để những “kĩ sư tâm hồn” hôm nay và ngày mai vẫn tiếp tục miệt mài cùng trang giáo án, lặng lẽ chèo lái, đưa các thế hệ học trò cặp bến bờ tri thức. Tôi hiểu họ đã, đang hạnh phúc và tự hào với danh xưng mà không phải ngành nghề nào cũng được phong tặng, danh xưng “NGHỀ CAO QUÝ!”.

Bài viết liên quan

Thầy giáo trẻ khó lấy vợ vì nghèo
18/11/2014 04:51 / Admin
Sau khi đọc bài “Thư gửi chồng của nữ giáo viên nhân ngày 20/11” của cô giáo Đỗ Sông Hương, cũng là một giáo viên nên tô ...
Hoa, quà hay phong bì cho ngày Nhà giáo Việt Nam?
18/11/2014 04:49 / Admin
Cứ đến ngày lễ gì lớn như 14/2, 8/3, 20/10, 20/11…, đi ngoài đường đâu đâu cũng thấy hoa là hoa. Đủ các loại hoa với màu ...
Hạnh phúc là khi được cùng học trò ôn lại những kỉ niệm xưa
18/11/2014 04:44 / Admin
Tham gia công tác giảng dạy hơn 15 năm, cô Đỗ Thị Ngọc Anh (giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội) đã dạy nhiều thế ...
Chuyện 'cởi trói' cho giáo viên của Nhà giáo nhân dân
18/11/2014 04:42 / Admin
Từ kinh nghiệm đi dạy, Nhà giáo nhân dân Lưu Xuân Giới (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, ...