Thầy giáo trẻ khó lấy vợ vì nghèo

18/11/2014 04:51, Lượt hiển thị: 5178 Tin Giáo dục

Thầy giáo trẻ khó lấy vợ vì nghèo

Sau khi đọc bài “Thư gửi chồng của nữ giáo viên nhân ngày 20/11” của cô giáo Đỗ Sông Hương, cũng là một giáo viên nên tôi thấy bài viết thật hay, thật đúng với thực trạng hiện nay. Vì thế tôi cũng mạo muội viết thêm một chút để bổ sung những điều cô chưa kể hết. Cũng là để những người không là giáo viên hiểu và thông cảm hơn cho chúng tôi.

Cách đây hơn chục năm, tôi là học sinh chẳng phải xuất sắc nhưng cũng gọi là giỏi bước vào cổng trường sư phạm với bao mơ ước hoài bão. Trong khi bạn nam thì thi kiến trúc, xây dựng, bách khoa, công nghiệp thì tôi lại chọn sư phạm. Ngày ấy trường sư phạm có giá lắm, điểm đầu vào trừ mấy khoa môn phụ thì luôn thuộc tốp trường có điểm cao.

Tôi chọn sư phạm ngoài niềm yêu thích thì còn vì học sư phạm bớt đi khoản học phí, ra trường lại được về quê hương công tác, với đồng lương giáo viên như vậy ở nông thôn cũng sống khá tốt rồi, được xã hội coi trọng và xin việc cũng dễ vì giáo viên còn thiếu nhiều. Thế nhưng cái nghề tôi và xã hội vẫn coi là cao quý nhất trong những nghề cao quý ấy đã thay đổi nhanh chóng. Sự phát triển của các ngành kinh tế khiến cho đồng lương giáo viên trở nên nhỏ bé quá.

Thời điểm đó phong trào đi học sư phạm khá nhiều vì thế khi tôi ra trường cũng là thời điểm giáo viên đang thừa rất nhiều. Với số điểm ra trường chẳng phải xuất sắc, chẳng có vài chục triệu và cũng chẳng có cái “ô” nào nên tôi không được vào biên chế. Vậy là đành nộp hồ sơ vào một trường bán công và một chặng đường vi hành gian khó bắt đầu để tôi nhận thấy nghề giáo cũng lắm gian nan hơn mọi người vẫn nghĩ.

thaygiao-1143-1416281387.jpg

Lớp học ghép của học sinh huyện Xín Mần (Hà Giang). Ảnh: Quý Đoàn.

Ai cũng biết "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Học trò phải nghịch rồi, học trò trường công lập nghịch một thì học trò trường bán công tư thục nghịch gấp 10 lần. Nghịch là một chuyện, nhiều em lại còn hư nữa. Những em ngoan, giỏi đã vào trường công lập rồi thì đương nhiên các em dốt nhất, hư nhất vào bán công và dân lập. Mặc dù còn nhiều em học khá tốt và ngoan, nhưng chiếm số ít. Ấy vậy là đáng lẽ giáo viên lên lớp để dạy thì đằng này lên lớp ngoài việc dạy còn phải quản lý học sinh.

Ở nhà chỉ cần một đứa con hư đã khản cố quát mà chẳng ăn thua huống chi ở đây một lớp khoảng 20 đứa con hư nhất của xã hội mà các phụ huynh gửi gắm nhờ thầy cô dạy dỗ. Ngày xưa cô giáo vụt cho vài roi học sinh sợ xanh mặt, nhưng giờ vụt cho vài roi gặp học sinh đầu gấu hoặc gặp mấy bác phụ huynh không hiểu chuyện là giáo viên xanh mặt rồi.

Cũng dạy chương trình ấy, nhưng với đối tượng học sinh như vậy đáng lẽ lương phải cao hơn mới phải, nhưng tôi và bao thầy cô khác chỉ nhận được đồng lương hợp đồng bèo bọt. Không những vậy vừa dạy vừa lo bị cho nghỉ việc lúc nào không hay. Các cô giáo thì cũng chẳng sao bởi lương thấp thì đã có chồng lo rồi. Nhưng tôi là con trai, là trụ cột gia đình. Thân mình còn nuôi chưa xong nói gì nuôi vợ nuôi con.

Cũng chính vì thế mà tôi cũng như bao thầy giáo trẻ khác đã đành ngậm ngùi nhìn người yêu lên xe hoa với những chàng trai khác mà chưa chắc họ đã yêu, nhưng họ có nhiều tiền hơn. Không phải họ không yêu mình nhưng cuộc sống giờ đổi khác. Người phụ nữ cần một người chồng có công việc ổn định, thu nhập cao để họ không khổ, con họ không khổ dù phải “hy sinh đời mẹ” để nâng bước tương lai các con. Vì thế mà cô giáo thì dễ lấy chồng mà thầy giáo lại khó lấy vợ.

Có nhiều bạn bảo sao không bỏ nghề tìm công việc khác thu nhập cao. Cuộc sống đâu đơn giản vậy. Cầm cái bằng sư phạm thì đi đâu xin việc được. Hơn nữa bố mẹ cho tiền 4 năm ăn học nên giờ đang đi dạy mà nói bỏ thì bố mẹ đâu có cho, các cụ vẫn nghĩ nghề giáo cao quý lắm, nhưng đâu có biết ngoài xã hội người ta không trọng nữa rồi. Đến nhà bạn gái chơi biết mình là giáo viên họ quý vì đạo đức tốt, nhưng bảo lấy con gái họ thì họ chẳng cho vì biết mình nghèo.

Nhưng cũng chẳng trách được vì nếu mình có con chắc cũng vậy thôi. Giờ đa số những em học trung bình khá mới thi sư phạm để chống trượt còn các em giỏi thi ngân hàng, thương mại, y... Dạy ở môi trường mà số học sinh hư nếu đuổi học thì đuổi quá nửa như vậy đâu tránh khỏi đôi lúc nóng lên bạt tai, hay cho em nào đó vài cái roi. Và chẳng may cho thầy cô nào bị quay và đưa lên mạng là sự nghiệp công danh đổ xuống sông xuống biển và nổi tiếng hơn cả Công Phượng, Tuấn Anh… chỉ sau một đêm.

Mọi người vào phê phán, chỉ trích, nhưng nếu họ ở trong hoàn cảnh thì mới hiểu được. Những người chỉ chích, phê phán là những người từng học, dạy học ở những ngôi trường học sinh ngoan. Họ đâu có biết vì sao thầy cô lại bạt tai, mắng học sinh nặng lời như thế. Vẫn biết như vậy là không đúng, là sai luật giáo dục, nhưng khi học sinh ngồi trong lớp nói chuyện tự do, chửi nhau, giáo viên nhắc nhở cũng chẳng coi ra gì, có khi còn chửi lại giáo viên. Xin hỏi các bạn như vậy liệu có ức chế không, ngày nào cũng trải qua như vậy thì dù là một người bình tĩnh nhất cũng có lúc có những hành động không đúng chuẩn giáo viên.

Học sinh không sợ điểm, không sợ lưu ban, không sợ đuổi học, nhẹ nhàng cũng không nghe thì xin hỏi phải dọa bằng cách nào đây, những lúc như thế đôi khi cho vài roi lại có hiệu quả. Tất nhiên không đến mức bạo lực như mọi người nghĩ, không phải tra tấn như thời trung cổ mà nhiều bạn bình luận. Mấy năm qua có nhiều thầy cô bị đưa lên mạng vì mắng, đánh học sinh. Rồi họ bị kỷ luật, bị đuổi việc, ai từng trải qua đều thông cảm cho các thầy cô. Chỉ có những người không hiểu chuyện, lúc nào cũng nghĩ giáo viên là phải thế này, phải thế kia…nhưng giáo viên cũng là con người mà đã là con người thì ai cũng có hỷ, nộ, ái, ố nên sao tránh khỏi nóng giận mà làm những việc như vậy.

Áp lực là vậy đó. Áp lực từ cuộc sống, từ mưu sinh đè nặng lên đôi vai giáo viên. Ai cũng nghĩ giáo viên an nhàn lắm. Có khi một tuần lên trường 4 buổi còn 3 buổi ở nhà, nhưng ở nhà đâu có được chơi như mọi người nghĩ. Nào là giáo án, chấm bài, vào điểm, sổ sách các loại mà trong số hàng chục loại sổ sách hồ sơ thì quá nửa chỉ để kiểm tra và giết thời gian của giáo viên vì nó được sinh ra là có mục đích, nhưng thực tế chẳng để làm gì cả. Hơn nữa mỗi năm sở giáo dục hay bộ lại cải cách, lại thay đổi, một vài loại sổ sách lại ra đời và thế là giáo viên lại cắm đầu vào làm sổ sách để sở về kiểm tra.

Trong giáo dục đã kiểm tra chẳng khi nào được khen mà chỉ có chê thôi, tốt rồi cũng phải lôi ra một cái gì đó để chê. Chẳng may sai một cái gì đó là mai được nêu gương toàn tỉnh. Năm nay các em tiểu học bỏ chẩm điểm mà chỉ nhận xét làm giáo viên không có thời gian để nghỉ nữa. Nhiều khi chuyên môn giảng dạy chẳng có thời gian tìm hiểu vì thời gian làm sổ sách hết giờ rồi. Còn các thầy cô THPT thì chạy theo cải tiến dạy học theo chủ đề. Mười thầy cô thì chín thầy cô nói chẳng biết bộ nghĩ gì khi thay đổi như vậy trong hoàn cảnh hiện nay bởi vẫn sách đó, kiến thức đó. Chỉ là lấy mấy bài gộp lại cho thành một nhóm và gọi là chủ đề trong khi nội dung vẫn thế. Tại sao không cải cách sách giáo khoa trước rồi hãy chủ đề hay chủ điểm.

Cuộc sống giáo viên là thế đó các bạn. Các bạn hãy suy nghĩ và cảm thông nếu một ngày nào đó lại có một thầy cô bị đưa lên mạng vì điều gì đó không đúng với học sinh. Xin thưa rằng nếu các em ngoan chẳng thầy cô nào mắng, chửi, đánh các em cả. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó cả. Hãy nhìn từ hai phía, đặt mình vào là người trong cuộc để thông cảm hơn cho các thầy cô.

Ngày nhà giáo Việt Nam đến rồi. Biết bao thầy cô đang mong chờ để được nhận những lời chúc chân thành từ các học sinh, các vị phụ huynh, nhưng có biết bao thầy cô lại không mong đến ngày này bởi họ phải nhận những chiếc phong bì chứa nhiều tiền, thứ mà ai cũng muốn có nhiều nhưng lại không muốn nhận trong hoàn cảnh này. Bởi trong số đó chỉ có rất ít là chân thành, còn lại là có lý do cả đó.

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam tôi xin gửi những dòng này đến các bạn không là giáo viên để hiểu hơn, thông cảm hơn cho cái nghề của chúng tôi.

Thanh Y

Bài viết liên quan

Hoa, quà hay phong bì cho ngày Nhà giáo Việt Nam?
18/11/2014 04:49 / Admin
Cứ đến ngày lễ gì lớn như 14/2, 8/3, 20/10, 20/11…, đi ngoài đường đâu đâu cũng thấy hoa là hoa. Đủ các loại hoa với màu ...
Ôm mộng làm giàu, đừng theo nghề giáo
18/11/2014 04:46 / Admin
Ngày ấy, bạn bè cùng trang lứa với tôi không giấu được niềm tự hào khi lần lượt nhận được giấy báo trúng tuyển vào nhiều ...
Hạnh phúc là khi được cùng học trò ôn lại những kỉ niệm xưa
18/11/2014 04:44 / Admin
Tham gia công tác giảng dạy hơn 15 năm, cô Đỗ Thị Ngọc Anh (giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội) đã dạy nhiều thế ...
Chuyện 'cởi trói' cho giáo viên của Nhà giáo nhân dân
18/11/2014 04:42 / Admin
Từ kinh nghiệm đi dạy, Nhà giáo nhân dân Lưu Xuân Giới (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, ...